Đó là kiến nghị đáng chú ý của tỉnh Đồng Nai qua tổng kết việc thi hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).
Thay đổi dần hoạt động thủ công, truyền thống
Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đều quy định về trách nhiệm TXCT của đại biểu dân cử 4 cấp dẫn đến trong một thời gian ngắn, tại một địa bàn có nhiều Hội nghị TXCT, từ đó thiếu sự thu hút đối với người dân. Điều 94 Luật Tổ chức chính quyền địa phương về trách nhiệm TXCT của đại biểu HĐND quy định: “Đại biểu HĐND phải liên hệ chặt chẽ với cử tri ở đơn vị bầu cử bầu ra mình… thực hiện chế độ TXCT và ít nhất mỗi năm một lần báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của HĐND nơi mình là đại biểu, trả lời những yêu cầu và kiến nghị của cử tri. Sau mỗi kỳ họp HĐND, đại biểu HĐND có trách nhiệm báo cáo với cử tri về kết quả của kỳ họp, phổ biến và giải thích các nghị quyết của HĐND, vận động và cùng với nhân dân thực hiện các nghị quyết đó”.
Điều 112 về nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện quy định: “Tổ đại biểu HĐND có trách nhiệm nghiên cứu tài liệu, chuẩn bị đóng góp ý kiến cho kỳ họp HĐND cùng cấp; tổ chức cho đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri, thu thập ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp HĐND và để đại biểu HĐND báo cáo với cử tri về kết quả kỳ họp sau kỳ họp HĐND”.
Với quy định tại 2 điều Luật như trên được hiểu, đại biểu HĐND có trách nhiệm tiếp xúc cả trước và sau kỳ họp nên thời gian qua tại Đồng Nai, đại biểu HĐND các cấp đã chấp hành nghiêm việc TXCT trước và sau các kỳ họp thường lệ. Với chương trình tổ chức kỳ họp thường lệ được HĐND thông qua là 2 kỳ/1 năm thì mỗi năm đại biểu HĐND có ít nhất 4 kỳ tiếp xúc với 6 đến 14 buổi TXCT. Cử tri khi gặp đại biểu HĐND, mục đích chính là được phản ánh, kiến nghị và nhận kết quả trả lời các phản ánh, kiến nghị từ lần tiếp xúc trước. Tuy nhiên, khoảng cách giữa hai lần TXCT trước và sau kỳ họp chỉ trong 1 tháng, khả năng phát sinh các ý kiến mới rất ít. Chính vì vậy, các đợt TXCT sau kỳ họp thường vắng cử tri so với trước kỳ họp. Theo thống kê kết quả TXCT của đại biểu HĐND 3 cấp tỉnh Đồng Nai, số lượng cử tri đến tham dự tại các đợt tiếp xúc sau kỳ họp bằng khoảng 69% so với trước kỳ họp mặc dù cách thức tổ chức và mời cử tri không thay đổi.
Từ những phân tích trên, tỉnh Đồng Nai đánh giá việc quy định 2 kỳ TXCT liên tiếp chưa phù hợp với thực tiễn. Đồng thời nhận thấy quy định: “liên hệ chặt chẽ với cử tri ở đơn vị bầu cử bầu ra mình” cần có hướng dẫn để có cách hiểu thống nhất theo hướng không nên quy định mỗi kỳ tiếp xúc, đại biểu HĐND phải tiếp xúc đầy đủ các xã, ấp thuộc đơn vị bầu cử của mình và cần có sự nghiên cứu, điều chỉnh theo hướng giao quyền chủ động và giao trách nhiệm của Thường trực HĐND trong quyết định việc TXCT của đại biểu. Mục đích để tạo sự thống nhất trong bối cảnh mọi hoạt động quản lý nhà nước hiện nay đang chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ, hiệu quả; đồng thời, việc này cũng nhận được sự hưởng ứng tích cực, tương tác hiệu quả của người dân và làm thay đổi dần những hình thức hoạt động mang tính thủ công, truyền thống.
Tạo cơ chế để đại biểu chủ động, chủ trì tiếp xúc
Cũng theo tỉnh Đồng Nai, Luật Tổ chức HĐND và UBND trước đây, bên cạnh TXCT nơi ứng cử, nơi cư trú và chuyên đề còn quy định một hình thức TXCT khác, đó là nơi công tác của đại biểu HĐND. Đây là một hình thức có thể vận dụng đối với đại biểu HĐND cấp tỉnh do phạm vi đại diện rộng. Tuy nhiên, đến Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, quy định trên không còn. Thực tế đối với những đại biểu HĐND là người đứng đầu hoặc có uy tín trong một ngành, giới nhất định có thể tổ chức tiếp xúc để lắng nghe ý kiến cử tri của cơ quan, đơn vị mình với hình thức phù hợp. Mặc dù đây cũng là một hình thức tiếp xúc mang tính chất chuyên đề nhưng phạm vi hẹp nên không cần thiết phải do Thường trực HĐND chủ trì buổi tiếp xúc, việc tạo cơ chế để đại biểu chủ động chủ trì tiếp xúc là quy định nên duy trì.
Bên cạnh đó, quy định hiện nay Ủy ban MTTQVN và Thường trực HĐND cùng tổng hợp và cùng báo cáo tại kỳ họp về kết quả, tình hình phản ánh, kiến nghị của cử tri và nhân dân. Báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri của Thường trực HĐND trước khi trình ra kỳ họp phải có sự thống nhất với Ủy ban MTTQVN, quy định như vậy là trùng lặp. Thực tế để chủ động, Thường trực HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đều tập hợp, tổng hợp ý kiến cử tri gửi đến UBND cùng cấp để kịp cho việc trả lời, thông tin đến đại biểu và phục vụ TXCT. Vì vậy, Nghị quyết liên tịch nếu quy định Thường trực HĐND có trách nhiệm báo cáo kết quả, tình hình phản ánh, kiến nghị của cử tri thì Ủy ban MTTQVN chỉ giám sát đại biểu TXCT để tránh tình trạng cùng một công việc nhưng hai chủ thể thực hiện. Hoặc ngược lại, nếu Ủy ban MTTQVN báo cáo tại kỳ họp để khách quan, Thường trực HĐND các cấp chỉ tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri chuyển UBND cùng cấp đề nghị trả lời.